Thủy cung Kaiyukan nằm ở làng cảng Tempozan thuộc phường Minato, gần vịnh Osaka. Nó được mở cửa từ năm 1990, và là thủy cung lớn nhất thế giới vào thời điểm đó. Cho đến hiện tại, Kaiyukan vẫn nằm trong top 3 thủy cung lớn nhất Nhật Bản, và top 15 thủy cung lớn nhất Thế Giới. Ngày hôm nay hãy cùng mình khám phá thủy cung vô cùng rộng lớn và lâu đời này nhé !

Địa chỉ: https://maps.app.goo.gl/ZY3nTQNzFe6x13S58

Bạn có thể đến đây bằng tàu điện, đi theo Chuo line, hướng đi tới Cosmo square, đến ga Osakako, sau đó đi bộ khoảng 500 mét là sẽ tới thủy cung.

Giá vé: tùy vào độ tuổi của người tham quan, 2700 JPY với người trên 16 tuổi (ngày lễ là 3500 JPY) và miễn phí với trẻ em dưới 2 tuổi. Chi tiết về từng mức giá mình sẽ để ở ảnh dưới.

Osaka Kaiyukan aquarium prices
Bảng giá chi tiết của thủy cung Kaiyukan – Osaka.

Bạn có thể mua vé online (e-ticket) hoặc mua vé trực tiếp ở cửa vào. Thời gian xếp hàng để mua vé trực tiếp thường rất lâu, nên mình recommend nên mua e-ticket để đỡ mất thời gian chờ đợi nhé.

Link mua vé bạn có thể tham khảo tại trang chủ của Kaiyukan ở ĐÂY. Có thể thanh toán bằng Paypay hoặc thẻ Visa. Và chú ý nên mua vé trước ngày đi dự kiến từ 3-5 ngày để chọn được giờ vào cửa sớm nhé.

Vào thời điểm mình đi, gần với thời gian lễ hội koinobori (lễ hội cờ cá chép ở Nhật Bản), và Kaiyukan cũng đã rất sáng tạo với việc treo những chiếc cờ hình các sinh vật biển có ở thủy cung như cá voi, cá mập, cá đuối,… phía bên ngoài khuôn viên. Hết sức thú vị 😀

Khuôn viên bên ngoài thủy cung Kaiyukan cùng với những chiếc cờ … cá voi.

Bạn có thể đến sớm hơn giờ vào cửa được ghi trên vé để chụp ảnh xung quanh khuôn viên bên ngoài thủy cung trước khi vào trong nhé.

Điểm check-in cùng với Kaiyukan.

Ở phía trước cửa vào cũng sẽ có nhân viên chụp ảnh kỷ niệm cho bạn, bạn sẽ nhận được một bức ảnh 4×6 miễn phí. Nếu thấy chúng đẹp, thì bạn có thể mua ảnh với kích thước lớn hơn tại quầy bên cạnh nhé.

Sau khi vào cửa thủy cung, sẽ có hai lối đi bên trái và bên phải, phía bên phải dẫn tới lối vào thủy cung, còn phía bên phải là … lối ra. Và không may, mình đã đi nhầm sang hướng cửa ra vì đi theo hướng của mô hình cá mập khổng lồ phía trước 😀

Mô hình cá mập tại cửa ra của thủy cung, dẫn xuống các cửa hàng lưu niệm phía dưới.

Mình đã quay lại và nói với nhân viên ở cửa vào, và rất may được họ vui vẻ chấp nhận cho vào cửa lại. Mọi người chú ý đừng nhầm lẫn như mình nhé 😀

Ở hướng bên phải của cửa vào, là con đường dẫn đến “Aqua gate” – một đường hầm trong suốt dưới đáy biển, nơi mà bạn có thể dễ dàng nhìn ngắm rất nhiều loài cá từ nhiều hướng khác nhau. Đây cũng là điểm chụp ảnh rất đẹp, nhớ đừng bỏ lỡ khi đi qua đây nhé.

aqua gate - kaiyukan
Aqua gate, điểm tham quan đầu tiên của thủy cung Kaiyukan.
Rất dễ dàng để có được một bức hình đẹp tại đường hầm này.

Đi qua đường hầm, sẽ là một thang cuốn dẫn tới tầng 8, dẫn tới triển lãm tiếp theo mang tên Japan Forest – Nihon no Mori.

Bên trong triển lãm rừng Nhật Bản ở tầng 8 của thủy cung.
Không gian tươi mát, với 4 hướng xung quanh đều là cây xanh.

Triển lãm này tái hiện một khu rừng Nhật Bản với đầy đủ các loài cá sông và sinh vật sống gần nước. Mình đặc biệt thích nhìn ngắm những chú rái cá ở đây, rất tinh nghịch và đáng yêu. Có thể ngắm trong thời gian dài mà không thấy chán 😀

Toàn cảnh triển lãm rừng Nhật Bản (Ảnh: Kaiyukan Osaka).

Tiếp sau khu rừng Nhật Bản, là triển lãm quần đảo Aleutian ở Alaska và vịnh Monterey ở California, nơi có những chú hải cẩu sinh sống ở các vách đá ven biển.

Một chú hải cầu vô cùng đáng yêu đang nằm ngủ trên một “chiếc giường nổi”.

Chúng ta cũng có thể di chuyển tới phía trước để dễ dàng nhìn ngắm những chú hải cẩu này bơi dưới biển.

Nhìn ngắm những chú hải cẩu bơi dưới biển cực kỳ dễ dàng tại triển lãm.

Khu vực này khá sâu, nên bạn có thể tiếp tục đi xuống phía dưới để chụp ảnh nếu có quá nhiều người đứng lại xem nhé.

Khu vực tiếp theo sẽ là triển lãm Vịnh Panama và rừng mưa nhiệt đới Ecuador, với rất nhiều các loài cá có hình dạng kỳ lạ mà lần đầu tiên mình được tận mắt thấy.

Piracuru – loài cá được mệnh danh là “sát thủ số 1” ở sông Amazon.

Ngay sát bên khu vực này, là triển lãm tái tạo lại môi trường băng giá khắc nghiệt của vùng Nam Cực, nơi có loài chim cánh cụt vua (King penguin) sinh sống tại đây.

Chim cánh cụt vua, ở trong khu vực triển lãm Antarctica.

Tại đây có cả những chú chim cánh cụt non, với bộ lông tơ màu nâu rất đặc biệt. Những bộ lông này rất dày, cách nhiệt tốt, giúp bảo vệ chúng khỏi thời tiết giá lạnh khắc nghiệt ở Nam Cực. Ngoài ra, bộ lông này cũng đồng màu với những vách đá, giúp chúng có thể ngụy trang trước kẻ thù. Khi lớn lên, chúng dần dần rụng đi bộ lông này và phát triển bộ lông đen trắng bóng mượt, không thấm nước, thuận tiện cho việc bơi lội mà ta hay thấy ở những chú chim cánh cụt vua trưởng thành.

Những chú chim cánh cụt non với bộ lông màu nâu đặc biệt, đứng cùng với những chú chim cánh cụt trưởng thành.

Và tiếp theo, là bể cá chính của Kaiyukan, một bể cá khổng lồ nằm ở trung tâm của thủy cung, sâu 9 mét, dài 34 mét, và chứa tới 5400 tấn nước. Bể cá này với tên gọi Pacific Ocean, tái hiện lại sự sống bên dưới Thái Bình Dương, với rất nhiều các loài cá khổng lồ như cá đuối, cá mập và đặc biệt, là cá mập voi (Whale shark) – loài cá lớn nhất Thế Giới ở thời điểm hiện tại.

Cá mập voi tại Kaiyukan.
Bên cạnh Pacific Ocean cùng loài cá lớn nhất Thế Giới.
Cá mập cũng có rất nhiều ở đây.

Ngoài ra, vào các khung giờ nhất định, chúng ta có thể chiêm ngưỡng tận mắt những nhân viên ở đây lặn xuống đáy biển và cho cá ăn. Thời gian cụ thể và các khu vực cho ăn mình sẽ để ở ảnh dưới nhé.

Thời gian và các khu vực cho cá ăn. (Ảnh: Kaiyukan Osaka).
Tranh thủ check-in cùng với các anh thợ lặn 😀

Đi được nửa đường trong thủy cung thì sẽ có quán cafe / đồ ăn nhanh, mọi người có thể nghỉ ngơi, ăn uống trước khi khám phá tiếp nhé.

Menu sẽ có những món khá cơ bản như matcha, bánh kẹp xúc xích, và món đặc biệt mocha hình cá voi.

Tiếp theo, cùng mình tiếp tục khám phá phần còn lại của thủy cung nhé.

Triển lãm Seto Inland Sea, với bạch tuộc và rất nhiều cá với hình dạng đặc biệt.
Thậm chí còn có một số loại cá với thân hình trong suốt.

Và bể cá cuối cùng, với chủ đề Japan deeps, gồm các sinh vật sống ở đáy đại dương, với độ sâu 200-400 mét. Đặc trưng ở đây là loài cua nhện Nhật Bản khổng lồ, loài cua lớn nhất Thế Giới.

Cua nhện Nhật Bản khổng lồ.

Ngoài cua nhện Nhật Bản, ở đáy đại dương cũng có rất nhiều loài cá với hình dạng rất lạ mắt, lần đầu tiên mình được tận mắt thấy.

Chú cá đang nhìn mình với ánh mắt rất khó chịu 😀
Toàn cảnh khu vực Japan deeps với rất nhiều loài cá khác nhau.

Và tới đây là kết thúc khu vực các bể cá trong Kaiyukan, mọi người đi thẳng theo biển chỉ dẫn sẽ đến được khu vực tiếp theo trong thủy cung. Nếu chưa kịp chụp ảnh ở các khu vực phía trước, thì mọi người có thể chụp cùng bể cá khổng lồ nằm ở trung tâm trước khi chuyển sang khu vực mới nhé.

Vì phía trong thủy cung không được dùng flash, nên bạn có thể đứng gần vào bể cá sẽ tận dụng được ánh sáng tự nhiên ở đây, qua đó việc chụp ảnh cũng trở nên dễ dàng hơn.

Một trong những bức ảnh yêu thích nhất của mình ngày hôm nay.

Và khu vực tiếp theo của thủy cung, là một khu vực mới được xây dựng, trưng bày rất nhiều loại sứa biển, với đầy đủ hình dạng, kích thước, rất đẹp mắt.

Khu vực triển lãm các loài sứa biển (Ảnh: Kaiyukan Osaka).

Các loài sứa cũng được để trong bể hình trụ ngang, với ánh đèn nhỏ từ dưới chiếu lên, rất nghệ thuật.

Khu vực tiếp theo của thủy cung, là triển lãm với chủ đề Bắc Cực, trong đó nổi bật là hải cẩu đeo vòng (Ringed seal) – một loài hải cẩu không tai sống ở Bắc Cực.

Đây là hình ảnh của tôi mỗi sáng thứ hai 😀

Chú hải cẩu với rất nhiều biểu cảm đáng yêu, hài hước, thu hút rất đông người đứng lại xem và vô cùng thích thú.

Ngay sát khu vực Bắc Cực, là khu vực chim cánh cụt Rockhopper phương Nam, với điểm đặc trưng là những chiếc lông mào có màu vàng óng. Đây cũng là sinh vật đang có số lượng giảm sút và nằm trong sách đỏ do biến đổi khí hậu và đánh bắt quá mức.

Những chú chim cánh cụt rockhopper rất nổi tiếng trong bộ phim Madagascar. (Ảnh: Kaiyukan Osaka)

Và khu vực cuối cùng của thủy cung, là triển lãm về các loại san hô biển. Khu vực này có ánh sáng rất đẹp, và có khá nhiều góc có thể chụp ảnh.

San hô được chia thành nhiều bể khác nhau, đặt trong phòng trưng bày khá rộng.
Ánh sáng ở phòng trưng bày cũng rất đẹp, thuận lợi cho việc chụp ảnh.

Tổng thời gian tham quan thủy cung sẽ kéo dài khoảng 4-6 tiếng, bao gồm cả thời gian chụp ảnh và nghỉ ngơi. Nên bạn cũng không cần quá lo lắng nếu không mua được vé vào cửa sớm nhé.

Ở phía bên ngoài cửa ra cũng có khu vực bán đồ lưu niệm, cũng như Starbucks để mua sắm hay ngồi cafe với bạn bè.

Chú cá Nemo trong phim Finding Nemo nổi tiếng.
Khu vực đồ lưu niệm với hàng chục loại gấu bông cực xinh.

Và tới đây là mình đã hoàn thành một ngày khám phá trọn vẹn thủy cung Kaiyukan Osaka. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin cũng như góc nhìn về những điểm tham quan bên trong thủy cung qua ống kính của mình, trước khi đưa ra quyết định có nên đi hay không.

Đừng quên Follow mình trên Instagram ( travel.w.minh_photo ) hoặc Subcribe để nhận được thông báo mỗi khi mình có bài viết mới nhé.

***************************************************************************************************************

Khám phá các dịch vụ hữu ích tại Nhật Bản của mình:

***************************************************************************************************************

*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản quyền & Cộng tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog. Xin cảm ơn.

Được phân loại trong:

Được gắn thẻ trong:

,