Koyasan (hay còn gọi là núi Koya), là ngọn núi linh thiêng nằm ở tỉnh Wakayama, cách Osaka khoảng 90km về phía Nam, là trụ sở của tông phái Shingon của Phật giáo Nhật Bản. Koyasan được thành lập vào đầu thế kỷ thứ 9 bởi thiền sư Kukai, hay còn được gọi là Kobo Daishi (Hoằng Pháp đại sư).

Daimon – cánh cổng lớn, mở đầu cho thế giới tâm linh tại Koyasan.

Ngay từ nhỏ Kukai đã thể hiện tài năng vượt trội của mình trong việc học tập và tiếp thu tri thức. Vào năm 804, sau khi nhận học bổng từ Hoàng đế Nhật Bản, ông chuyển sang Trung Quốc để nghiên cứu Phật giáo Chân Ngôn (mikkyo) và triết học. Kukai đã học tại trường Thiền Tông Huyền Quang, một trong những trung tâm trí tuệ và tâm linh hàng đầu của Trung Quốc vào thời kỳ đó.

koyasan - thánh địa Phật giáo của Nhật Bản

Trong khoảng thời gian này, ông đã học được nhiều tri thức về Phật giáo Esoteric và các phương pháp tu hành phức tạp. Sau khi trở về Nhật Bản, ông đã thành lập tông phái Shingon, một trong những giáo phái lớn và có ảnh hưởng nhất của Phật giáo Nhật Bản. Năm 816, Kukai đã chọn ngọn núi hoang sơ và thanh bình Koya để xây dựng các ngôi chùa, làm nơi linh thiêng và tĩnh lặng cho việc tu tập và nghiên cứu Phật pháp.

koyasan - thánh địa Phật giáo của Nhật Bản

Và hôm nay, hãy cùng mình khám phá Koyasan, một vùng đất linh thiêng, yên bình và cực kỳ huyền bí của Nhật Bản nhé!

Vì nằm ở trên đỉnh núi, nên việc di chuyển cũng có đôi chút khó khăn. Đầu tiên, mình xuất phát từ ga Osaka Namba, đi tuyến Nankai Koya Line, đến điểm cuối cùng là ga Gokurakubashi.

Địa chỉ ga Gokurakubashi: https://maps.app.goo.gl/eEyJVx36mds1GutJ9

Tiếp theo, di chuyển đến khu vực đi cáp treo từ ga Gokurakubashi đến ga Koyasan. Đây là một trải nghiệm khá thú vị với mình, rất giống với cách đi đến ngôi chùa Hozan-ji mà mình đã từng viết ở các bài đăng trước (bạn có thể xem lại tại ĐÂY).

koyasan cable car
cáp treo leo núi từ ga Gokurakubashi đến ga Koyasan.

Chưa hết, sau khi đến ga Koyasan, mình phải đi xe bus từ ga Koyasan, tiếp tục đi lên tới đỉnh núi. Ở đây sẽ có hai xe bus đi hai hướng khác nhau, nhưng đừng lo, bạn đi theo hướng nào cũng được, vì kiểu gì sau đó chúng ta cũng sẽ quay lại hướng còn lại để tham quan các địa điểm khác.

Địa điểm đầu tiên mình ghé thăm sau khi lên đỉnh núi, là chùa Kongobuji.

Địa chỉ: https://maps.app.goo.gl/7zHcj1kdCdPi4cTH7

chùa Kongobuji
Chùa Kongobuji.

Kongobuji là ngôi chùa đứng đầu của tông phái Shingon (Chân Ngôn tông) huyền bí ở Koyasan, nơi có những buổi lễ cầu nguyện và nghi lễ hàng năm của tông phái cũng được tổ chức tại đây.

chùa Kongobuji

Chùa Kongobuji đã trải qua nhiều lần sửa chữa và mở rộng qua các thế kỷ, nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc cổ điển và tinh tế.

chùa Kongobuji

Địa điểm tiếp theo mình tới, nằm ngay phía đối diện của Kongobuji, đó là đền Benzaiten Shrine.

Địa chỉ: https://maps.app.goo.gl/QF4yX14MmQ7U9qo7A

Benzaiten Shrine Koyasan
Benzaiten Shrine.

Giống như cái tên, đền Benzaiten Shrine thờ thần Benzaiten, một vị thần trong đạo Shinto, được xem là nữ thần của nước, của nghệ thuật, kiến thức và may mắn. Mình khá thích ngôi đền này, vì khuôn viên cực kỳ rộng lớn, không gian tĩnh lặng và cực kỳ yên bình.

Địa điểm tiếp theo, cách Kongobuji khoảng 500 mét, là Danjo Garan, khu quần thể đền chùa đầu tiên của nhà sư Kukai ở Koyasan, bao gồm rất nhiều công trình linh thiêng.

Địa chỉ: https://maps.app.goo.gl/hU3KozdRyGCg1U7b9

Vì có rất nhiều ngôi đền và chùa ở khu vực này, nên mình sẽ giới thiệu một vòng từng ngôi chùa theo hướng di chuyển từ Kongobuji đến đây nhé.

  • Konpon Daito.

Đại sư Kukai bắt đầu xây dựng Kopon Daito ngay sau năm 816, nhưng chưa hoàn thành trước khi ông bước vào thiền định vĩnh cửu. Công việc xây dựng được Shinzen, đệ tử và người kế vị của ông ở Koyasan, đảm nhận và hoàn thành vào khoảng năm 887.

Konpon Daito
Konpon Daito

Tòa tháp này bị hỏa hoạn phá hủy phần lớn do bị sét đánh 5 lần trong lịch sử, và mỗi lần đều được xây dựng lại. Tòa tháp được cải tạo lần cuối vào năm 1996, cao khoảng 50 mét, đúng theo kích thước nguyên bản từ thế kỷ thứ 9. Chúng ta có thể vào tham quan bên trong tòa tháp này, phí tham quan là 500 JPY. Vì không được quay phim và chụp ảnh ở bên trong tòa tháp, nên mình sẽ mô tả chi tiết ý nghĩa của bên trong tòa tháp dưới đây nhé.

Konpon Daito
Konpon Daito

Có hai kinh thánh quan trọng trong Chân Ngôn tông (Shingon) là Dainichikyo và Kongochogyo. Dựa vào hai kinh thánh này, ngài Kukai đã hình dung chân lý của vũ trụ trong Kongokai-mandara (Kim cương giới) và Taizokai-mandara (Ma trận giới). Sau đó, ngài chuyển hình dung của mình thành các bức tượng Phật ba chiều (3D).

Kim cương giới và Ma trận giới.

Bên trong Konpon Daito lưu giữ một bức tượng Mandala ba chiều, với trung tâm là bức tượng Dainichi Nyorai (Đại Nhật Như Lai – vị Phật được thờ phụng chính trong Chân Ngôn tông (Shingon) ), bức tượng được bao quanh bởi bốn vị Phật của Kim Cương giới, và mười sáu vị Bồ Tát vĩ đại được vẽ trên mười sáu cột trụ xung quanh.

koyasan - thánh địa Phật giáo của Nhật Bản
Bức tượng Dainichi Nyorai và mười sáu vị Bồ Tát vĩ đại – ảnh thuộc về NHK WORLD JAPAN.

Konpon Daito rộng lớn, uy nghiêm, nằm ở trung tâm của Danjo Garan.

  • Kondo.

Kondo đóng vai trò là sảnh chính của Koyasan, và là nơi tổ chức nhiều nghi lễ. Kondo lưu giữ một bức tượng Phật Dược Sư (không được trưng bày), hai bên là hai Mandala với bàn thờ riêng. Xung quanh đây là các bức tranh khổng lồ, vẽ tám bị Bồ Tát. Bên trong Kondo cũng cấm quay phim, chụp ảnh, và phí vào tham quan là 500 JPY.

Kondo
Kondo.
Bức ảnh toàn cảnh của Kondo, thực sự rất rộng lớn, hoành tráng.
  • Rokkaku Kyozo.

Đây là một kho lưu trữ kinh Phật hình lục giác, được xây dựng vào năm 1159 để chứa một bản sao hoàn chỉnh của kinh Phật, được viết bằng mực vàng. Phiên bản năm 1884 của tòa nhà này có thể tự quay vòng, nhưng sau nhiều trận hỏa hoạn, nó được xây dựng lại vào năm 1934 và hiện tại chỉ riêng vành ngoài của tòa tháp có thể quay được.

Rokkaku Kyozo
Rokkaku Kyozo.

Người ta hay tới đây, dùng sức mình đẩy vành ngoài của ngọn tháp theo một vòng tròn, mang ý nghĩa tâm linh như là một hành động của sự tôn kính và cảm ơn đối với tri thức và sự giáo dục. Trong Phật giáo, việc quay vòng có thể đại diện cho sự trí tuệ không ngừng nghỉ và sự cống hiến cho việc học hỏi và phát triển tâm hồn.

Rokkaku Kyozo cùng với các thanh trụ của vành ngoài.

Ngoài ra, việc quay vòng cũng có thể được coi là một hành động tôn kính và tưởng nhớ đối với các bậc tiền bối và các vị thánh trong truyền thống Phật giáo. Quay vòng có thể được coi là một cách để tôn vinh và tưởng nhớ công lao của những người đã truyền bá Phật pháp và góp phần vào sự phát triển của tôn giáo.

  • Miyashiro.

Đây là tổ hợp nhiều ngôi đền thờ các vị thần Shinto trông coi Koyasan. Khi đại sư Kukai thánh hiến Koyasan vào năm 819, ông đã mời hai vị thần Shinto ở lại đây để bảo vệ khu vực.

Cổng Torii phía trước Miyashiro.

Một cổng Torii khác ở phía sau.

Tổ hợp các ngôi đền.

  • Sanko no Matsu

Theo truyền thuyết, khi đại sư Kukai chuẩn bị rời Trung Quốc vào năm 806 để trở về Nhật Bản, ông đã ném một chiếc chày kim cang ba cánh về phía Đông, với lời cầu nguyện rằng nó sẽ chỉ cho ông nơi lý tưởng để xây dựng tu viện của mình. Người ta cho rằng ông đã phát hiện ra tại địa điểm này chiếc chày kim cang mà ông đã ném vào cây thông ở Koyasan vào năm 816. Loại cây thông ở đây có lá ba kim chứ không phải hai kim như thông thường, hơi giống một chày kim cang ba cánh.

koyasan - thánh địa Phật giáo của Nhật Bản
Hai phụ nữ đang mô phỏng lại hành động trong truyền thuyết của đại sư Kukai.

Bức ảnh trên mô tả vài người đang cố gắng dùng lá kim của cây thông để ném vào bên trong vòng tròn đỏ kia, mô phỏng lại hành động trong truyền thuyết của đại sư Kukai. Nếu ném thành công vào trong, họ sẽ bắt đầu cầu nguyện. Mình cũng đã thử và may mắn ném thành công ngay lần thử đầu tiên 😀

koyasan - thánh địa Phật giáo của Nhật Bản
  • Miedo.

Nơi này ban đầu là nơi đại sư Kukai dùng để thiền định. Bên trong có chứa một bức chân dung của chính Kukai, được vẽ khi ông còn sống bởi đệ tử của ông – nhà sư Shinnyo, một cựu hoàng tử. Bức chân dung này là một trong những báu vật lớn nhất của Koyasan và không được trưng bày trước công chúng.

Bức ảnh đại sư Kukai. Ảnh thuộc về NHK WORLD JAPAN.

Tòa nhà này đã bị hỏa hoạn 3 lần, được xây dựng lại vào năm 1848 và vẫn tồn tại sau trận hỏa hoạn Kondo năm 1926. Bức chân dung đã được cứu thoát khỏi mỗi lần hỏa hoạn và Miedo là tòa nhà tôn giáo quan trọng nhất ở Koyasan (cùng với Okunoin – địa điểm mình chuẩn bị giới thiệu) nhờ vào điều đó.

Miedo.
Miedo.
Con người dường như vô cùng nhỏ bé trước sự hùng vĩ của cây cối và các đền chùa nơi đây.
  • Chumon.

Chumon hay được gọi là cổng giữa, được bắt đầu xây dựng vào năm 819, và đã bị phá hủy nhiều lần bởi hỏa hoạn, lần cuối cùng là trong trận hỏa hoạn lớn năm 1843. Và sau hơn 170 năm, chỉ còn lại những viên đá nền ban đầu. Nhưng vào năm 2015, cổng đã được xây dựng lại để kỷ niệm 1200 năm thành lập Koyasan.

chumon koyasan
Chumon.

Ngoài hai bức tượng ban đầu, được cứu khỏi trận hỏa hoạn năm 1843, hai bức tượng mới đã được chạm khắc để tạo thành một bộ hoàn chỉnh về bốn vị Vua Hộ mệnh, và những bức tượng này được cất giữ trong cổng.

chumon koyasan
Một trong bốn vị Vua Hộ mệnh, được cất giữ trong cổng.

Vậy là kết thúc hành trình khám phá tất cả các địa điểm trong khu phức hợp Danjo Garan. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ đi hết một nửa hành trình. Cùng tiếp tục khám phá sự huyền bí ẩn sâu trong ngọn núi Koyasan nhé.

Tiếp tục hành trình khám phá Koyasan.

Sau đó, mình di chuyển đến địa điểm tiếp theo, cách Danjo Garan khoảng 1km, nằm ở nhánh còn lại của Koyasan (Kongobuji và Danjo Garan nằm ở 1 nhánh, phía bên phải theo hướng đi của xe bus), đó là đền Jofuku-in. Khi mình tới địa điểm này, trời cũng bắt đầu có tuyết rơi cực dày, càng làm cho những bức ảnh trở nên huyền bí hơn.

Địa chỉ: https://maps.app.goo.gl/28dyBZRW1pQAfmsH9

Jofuku-in.
Jofuku-in.

Jofuku-in nằm ở khu vực trung tâm của Koyasan, mặc dù không phải là một ngôi chùa lớn nhưng nó thu hút rất nhiều du khách nhờ vào vẻ đẹp yên bình và không gian tĩnh lặng, cùng với kiến trúc vô cùng nổi bật, gần như là nổi bật nhất trên con đường mà mình đi từ Kongobuji qua đây.

Một trong những điểm nổi bật của Jofuku-in là việc tổ chức các trải nghiệm về văn hóa và tâm linh, bao gồm các buổi thuyết giảng về Phật pháp, lễ cầu nguyện, và các hoạt động tu tập. Du khách cũng có thể tham gia các khóa lớp học về nghệ thuật truyền thống như calligraphy (viết thư pháp) và lễ hội đèn lồng Nhật Bản.

Ngoài ra, Jofuku-in cũng cung cấp các dịch vụ lưu trú cho du khách muốn trải nghiệm cuộc sống của tu sĩ trong một thời gian ngắn. Các phòng trọ được thiết kế đơn giản nhưng thoải mái, với không gian yên bình và tiện nghi cần thiết để du khách có thể tận hưởng một kỳ nghỉ tĩnh lặng trên núi Koyasan.

Những người hành hương cũng như khách du lịch có thể lưu trú tại các shukubo (nhà nghỉ trong chùa), một số trong đó thậm chí còn có các phòng nghỉ sang trọng. Khách đến thăm Koyasan có cơ hội thưởng thức ẩm thực chay shojin, tham gia các buổi thiền định, tản bộ trong rừng cũng như khám phá nghĩa trang nổi tiếng.

Một ngôi đền với rất nhiều cổng Torii, khá giống với Fushimi Inari ở Kyoto.

Mình cũng đã đi bộ trong toàn bộ hành trình (thay vì đi xe bus) để cảm nhận hoàn toàn không khí yên bình nơi đây, cùng với đó là ghi lại những hình ảnh Koyasan đang chìm trong tuyết rơi.

Một trong những bức ảnh đẹp nhất mà mình chụp lại trong ngày hôm nay.

Địa điểm tiếp theo, cũng là địa điểm cuối cùng trong hành trình khám phá Koyasan của mình ngày hôm nay, đó là khu lăng mộ Okunoin.

Địa chỉ: https://maps.app.goo.gl/HXRUPFY1A3Ezp3sv6

Lối vào khu lăng mộ Okunoin.

Đây là đoạn đường dài khoảng 2km, đi qua những ngôi mộ và tháp tưởng niệm được xây dựng để an ủi linh hồn những người đã mất.

Đoạn đường bắt đầu tiến vào Okunoin.

Okunoin được biết đến như là nghĩa trang lớn nhất của Nhật Bản, là nơi mai táng của nhiều vị sư trụ trì và tín đồ Phật giáo nổi tiếng.

Nếu tính những ngôi mộ có thể thấy được, thì nơi đây có tới hơn 200.000 ngôi mộ, và còn rất nhiều nữa nằm dưới lòng đất.

Những đài tưởng niệm này đã được đặt cách đây hơn 1200 năm, được dành riêng cho lãnh chúa và những nhân vật để lại dấu ấn trong lịch sử Nhật Bản.

Đặc biệt, nơi đây còn có lăng mộ của tướng quân Akechi Mitsuhide, người đã phản bội chủ nhân của mình – lãnh chúa huyền thoại Oda Nobunaga, ở Kyoto năm 1582.

Tướng quân Akechi Mitsuhide. Ảnh thuộc về NHK WORLD JAPAN.
Hình ảnh tướng quân Akechi Mitsuhide phản bội chủ nhân của mình. Ảnh thuộc về NHK WORLD JAPAN.

Sau khi chết, Akechi Mitsuhide trở thành kẻ thù không đội trời chung của Oda Nobunaga. Và điều vô cùng đặc biệt, Oda Nobunaga cũng được tưởng niệm ở Koyasan. Những kẻ thù đang yên nghỉ ở cùng một chỗ – Okunoin.

Lãnh chúa quyền lực Oda Nobunaga. Ảnh thuộc về NHK WORLD JAPAN.

Cùng xem thêm một vài hình ảnh vô cùng huyền bí bên trong con đường này nhé:

Từ khoảng 4h chiều, đèn ở đây cũng bắt đầu được thắp sáng.
Những cảnh tượng vô cùng huyền bí và tâm linh, với những ngôi mộ cổ kính và hàng cây cao tới vài chục mét.

Những hàng cây to lớn đến mức: mặc dù tuyết đang rơi khá nhiều bên ngoài, nhưng đã được hàng cây che lấp hết, như một chiếc ô khổng lồ vậy.

Ở phía cuối con đường này, là lăng Gobyo, nơi ngài Kukai đã thiền định vĩnh cửu từ năm 835, cầu nguyện cho hạnh phúc con người.

Cầu Gobyo bashi, nơi dẫn đến lăng Gobyo.

Mọi người vẫn luôn nghĩ rằng, ngài Kukai vẫn còn ở đây, một niềm tin sâu sắc không hề thay đổi. Và các nhà sư vẫn mang bữa ăn cho ngài Kukai hai lần một ngày.

Các nhà sư mang bữa ăn cho ngài Kukai. Ảnh thuộc về NHK WORLD JAPAN.

Phía bên ngoài cũng là một số đền chùa, khu vực tâm linh.

Mọi người đang múc nước và “tắm” cho các tượng Phật.

Tuyết đang rơi ngày càng dày hơn.

Khung cảnh càng thêm huyền bí với tuyết rơi tại đây.

Tới đây là mình đã hoàn thành hành trình khám phá vùng đất tâm linh Koyasan, nơi đã được được thêm vào Danh sách Di sản Thế giới UNESCO vào năm 2004. Đây là một sự công nhận cho giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh đặc biệt của núi Koyasan, cũng như vai trò quan trọng của nó trong việc bảo tồn và duy trì di sản văn hóa của Nhật Bản.

Đây cũng là một bài viết cực kỳ tâm huyết của mình, và mình cũng đầu tư rất nhiều thời gian vào việc trải nghiệm, chụp ảnh, tìm kiếm các nguồn thông tin bằng tiếng Anh, tiếng Nhật và dịch chúng sang tiếng Việt, tổng hợp lại chúng và chia sẻ cùng với trải nghiệm khám phá thực tế của mình. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho mọi người trong việc tìm hiểu thêm về văn hóa, lịch sử của Koyasan nói riêng và Nhật Bản nói chung.

Ngoài ra, mình cũng xin gửi lời cảm ơn đến NHK WORLD JAPAN và nhà sư Inaba Jijyun về một vài hình ảnh và thông tin vô cùng quý giá mà mình đã trích dẫn trong bài viết.

Cảm ơn bạn vì đã đọc đến cuối bài viết !

Theo dõi Instagram của mình để xem ảnh cũng như cập nhật các thông tin mới nhất của Blog nhé: travel.w.minh_photo

***************************************************************************************************************

Khám phá các dịch vụ hữu ích tại Nhật Bản của mình:

***************************************************************************************************************

*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản quyền & Cộng tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog. Xin cảm ơn.

Được phân loại trong:

Được gắn thẻ trong:

,